Táo bón là một vấn đề rất phổ biến không chỉ ở người trưởng thành mà còn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chế độ ăn uống của trẻ chưa phù hợp, thiếu nước và rau xanh, hoặc có một số vấn đề sức khỏe khác trong cơ thể của trẻ. Bài viết này đề cập đến một vài nguyên nhân phổ biến gây táo bón cho trẻ cũng như cách mà cha mẹ có thể áp dụng để trẻ không còn bị táo bón.
1. Nguyên nhân trẻ bị táo bón
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ trong đó được chia thành 2 nguyên nhân chính sau: nguyên nhân thực thể và nguyên nhân chức năng.
Táo bón ở trẻ nhỏ có thể do những bệnh lý như phình đại tràng bẩm sinh, cường giáp, viêm đại tràng, bất thường tại đường ruột, bệnh lý xung quanh hậu môn, bệnh lý cột sống, rối loạn điện giải trong máu, bại liệt… gây nên. Nguyên nhân này chiếm tỷ lệ không cao trong số trẻ bị bón nhưng lại rất nguy hiểm. Trong các trường hợp này, nếu không được khám chữa kịp thời, các triệu chứng có thể chuyển biến tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng trẻ.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không khoa học cũng là một nguyên nhân gây nên chứng táo bón ở trẻ. Cha mẹ chỉ có trẻ ăn thức ăn đặc, thể rắn, uống ít nước và sữa, dinh dưỡng mất cân bằng khiến trẻ bị táo bón. Bên cạnh đó, cha mẹ thường bổ sung thiếu hoặc thừa chất xơ trong chế độ ăn cũng làm tăng nguy cơ táo bón ở trẻ.
2. Cách giảm táo bón ở trẻ thông qua chế độ ăn uống
Nếu nguyên nhân gây táo bón ở trẻ là do chế độ ăn uống thiếu rau xanh và chất xơ, cha mẹ cần tập trung bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ này để giảm táo bón cho trẻ. Trái cây và rau xanh có chất xơ cao, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa. Cha mẹ nên chọn loại rau có nhiều lá và tác dụng nhuận tràng như rau lang, mồng tơi, rau đay, rau cải, súp lơ xanh…
Bổ sung chất xơ với rau củ quả
Ngoài rau xanh, trái cây cũng là loại thực phẩm giàu chất xơ mà cha mẹ có thể bổ sung vào chế độ ăn uống cho trẻ. Một số loại trái cây có tác dụng phòng ngừa táo bón: Chuối chín, đu đủ chín, bơ, cam, quýt, bưởi…
Tuy nhiên, cần tránh cho trẻ ăn những loại quả như ổi, hồng xiêm. Hạn chế đồ uống có ga, cà phê và bánh kẹo ngọt vì chúng có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng táo bón ở trẻ.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tiêu hóa và hạn chế chứng táo bón ở trẻ. Việc tiêu thụ những loại thực phẩm giàu chất xơ như trên, uống đủ nước và vận động sẽ giúp chứng táo bón ở trẻ được cải thiện hiệu quả. Nếu tình trạng táo bón không cải thiện sau các biện pháp tăng cường chế độ ăn rau và điều chỉnh lối sống, cha mẹ nên cân nhắc đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Xem các nội dung khác