Gout là một căn bệnh rối loạn chuyển hóa liên quan đến vấn đề ăn uống. Bệnh xuất phát từ nồng độ axit uric quá cao trong huyết tương, dẫn đến việc lắng đọng tinh thể urat hoặc axit uric trong khớp. Nếu tình trạng lắng đọng xảy ra ở khớp, khớp sẽ bị viêm và gây đau đớn. Theo thời gian, bệnh có thể gây biến dạng và cứng khớp. Nếu tinh thể lắng đọng ở thận, nó có thể gây bệnh thận do urat như viêm thận kẽ hoặc sỏi thận. Bệnh gout thường xảy ra nhiều ở nam giới từ 40 tuổi trở lên và có xu hướng tái phát nhiều lần, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh gout và hạn chế biến chứng nguy hiểm từ bệnh.
Trái cây
Các loại trái cây giàu vitamin C như cam, chanh, dâu tây, nho, ổi và kiwi… tốt cho người bệnh Gout. Vì vitamin C hỗ trợ rất tốt trong quá trình giảm nồng độ axit uric trong máu, chống viêm, chống ôxy hóa, tăng sức đề kháng và sức bền cho thành mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Trái cây giàu kali như chuối, cam, mơ, bưởi, bơ, dưa hấu và lựu cũng rất tốt cho sức khỏe của người bệnh Gout. Kali đóng vai trò quan trọng trong các quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp cân bằng nước và điện giải, giảm huyết áp và sức khỏe của xương. Kali giúp hỗ trợ tăng đào thải axit uric qua đường tiết niệu do đó làm giảm acid uric và các triệu chứng của bệnh Gout.
Thịt trắng
Nhiều người cho rằng thịt chứa purin không tốt cho người bệnh Gout nên loại bỏ loại thực phẩm này ra khỏi bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, việc kiêng thịt có thể khiến cho cơ thể thiếu đạm. Trong khi đó, có nhiều loại thịt không chứa nhiều nhân purin như thịt nạc, ức gà, cá sông, cá nước ngọt như cá trắm, cá chép, cá rô… Các loại đạm này rất tốt cho người bệnh Gout, có tác dụng chống lại sự kết tủa của axit uric.
Khi ăn thịt, người bệnh Gout cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Ăn không quá 100g chất đạm/ngày, bao gồm cả đạm từ thịt, sữa và các loại đậu, hạt. Người bệnh có thể tham khảo cách quy đổi sau: 100g thịt = 180g đậu phụ = 70g lạc hạt = 100g cá = 100g tôm.
- Lựa chọn những loại thịt chứa ít axit uric.
- Thịt cần được nấu chín, không ăn thịt tái sống.
- Ưu tiên chế biến thịt dưới dạng hấp, luộc thay vì đồ chiên, rán. Không nên dùng phần nước luộc thịt, nước luộc cá, nước hầm xương.
- Ăn thịt cùng các loại rau xanh để trung hòa bớt lượng purin có trong thịt.
Trứng
Mặc dù chứa hàm lượng protein dồi dào nhưng protein trong trứng không gây ra nhiều ảnh hưởng tới nồng độ acid uric trong máu. Hàm lượng chất béo Omega-3 trong trứng còn có khả năng ức chế các phản ứng viêm và làm giảm tình trạng sưng đau tại khớp bị ảnh hưởng bởi bệnh Gout.
Trong tất cả các loại trứng, trứng gà được khuyến khích thêm vào khẩu phần ăn của người bị bệnh Gout. Bởi trứng gà có chứa hàm lượng nhân purin thấp hơn các loại trứng khác nhưng hàm lượng dưỡng chất tốt cho sức khỏe lại cao. Đối với những người bị Gout, việc chế biến trứng thường bị hạn chế hơn do một số món ăn từ trứng có thể không tốt cho quá trình kiểm soát bệnh. Người bệnh Gout nên ăn trứng luộc, trứng hấp đậu phụ, trứng hấp nấm rơm…
Hy vọng thông tin này giúp bạn hiểu rõ chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bị bệnh gout. Bạn luôn được khuyến khích thăm bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo chế độ ăn uống phù hợp nhất cho sức khỏe của mình.
Có thể bạn quan tâm
Xem các nội dung khác