Ung thư dạ dày là một trong những ung thư phổ biến trên thế giới, tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam và đứng thứ 4 ở nữ. Tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi của nam giới gấp 2 lần nữ giới. Trong quá trình điều trị ung thư dạ dày, nhiều người phản ánh rằng họ có biểu hiện nôn và buồn nôn thường xuyên. Vậy nôn trong điều trị ung thư dạ dày có phải là biểu hiện bất thường hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm ở bài viết dưới đây nhé!
1. Triệu chứng nôn khi điều trị ung thư dạ dày
Nguyên nhân gây nôn và buồn nôn trong quá trình điều trị ung thư dạ dày phần lớn xuất phát từ việc các hóa chất và phương pháp điều trị đi vào cơ thể. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc hóa trị và xạ trị đều gây ra những triệu chứng này. Các yếu tố như loại thuốc, liều lượng và cách sử dụng thuốc sẽ ảnh hưởng đến tần suất và thời gian nôn xảy ra. Như vậy, nôn và buồn nôn là hai triệu chứng phổ biến mà người bệnh ung thư dạ dày thường gặp phải trong quá trình điều trị và người bệnh không cần phải quá lo lắng khi gặp phải tình trạng này.
Để giảm tác động của nôn và buồn nôn, bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng các loại thuốc chống nôn. Sự lựa chọn của thuốc chống nôn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như phương pháp điều trị ung thư, tần suất và mức độ nôn/buồn nôn của bệnh nhân. Ngoài việc sử dụng thuốc chống nôn, các phương pháp điều trị hỗ trợ có thể được áp dụng để giảm tác động của nôn và buồn nôn như thiền, tập thở và thư giãn cơ, châm cứu bấm huyệt, trị liệu bằng âm nhạc.
2. Cách hạn chế triệu chứng nôn khi điều trị ung thư dạ dày
Bệnh nhân nên chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa nhỏ để tránh cảm giác đói và tăng cường sức khỏe. Tránh ăn những món ăn mà bản thân yêu thích trong thời gian buồn nôn để tránh cảm giác chán sau khi ăn. Bổ sung đủ nước, uống nhiều lần nhưng với từng ngụm nhỏ để cơ thể dễ tiếp nhận. Bên cạnh đó, tránh các thực phẩm có nhiều dầu mỡ, cay nóng và quá ngọt cũng như tạo điều kiện thoáng khí trong bếp để hạn chế mùi thức ăn.
Khi có triệu chứng nôn, bệnh nhân cần đánh lạc hướng bằng âm nhạc, xem TV hoặc nói chuyện với người khác để giảm cảm giác khó chịu. Nếu các biện pháp này không giúp giảm triệu chứng, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng hoặc sử dụng thuốc chống nôn khác. Trong trường hợp nôn liên tục, cần lưu ý để tránh nuốt hay hít phải chất nôn vào phổi.
Chung quy lại, dấu hiệu nôn và buồn nôn trong quá trình điều trị ung thư dạ dày là tình trạng phổ biến và không đáng quan ngại. Việc sử dụng thuốc chống nôn và các phương pháp điều trị hỗ trợ có thể giúp giảm tác động của triệu chứng này. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý có sự tư vấn từ bác sĩ nhằm hạn chế nguy cơ suy kiệt và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm
Xem các nội dung khác