Thiếu máu thiếu sắt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh việc điều trị, yếu tố dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc cải thiện tình trạng bệnh cho người bị thiếu máu. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thêm thông tin về việc bổ sung dinh dưỡng cho người bị thiếu máu.
1. Biểu hiện khi bị thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng lượng huyết sắc tốc và số lượng hồng cầu có trong máu ngoại vi bị giảm đi, kết quả là thiếu lượng oxy đến các mô của các tế bào trong cơ thể. Các triệu chứng của thiếu máu khá đa dạng, chúng phụ thuộc vào loại, nguyên nhân, độ nghiêm trọng của thiếu máu và các vấn đề sức khỏe đáng chú ý như xuất huyết, viêm loét, các vấn đề về kinh nguyệt hay ung thư.
Cơ thể có thể tự bù rất tốt trong các giai đoạn đầu của thiếu máu. Nếu thiếu máu nhẹ hay phát triển từ từ trong một thời gian dài, bạn có thể không thấy bất kỳ triệu chứng nào. Các biểu hiện thường gặp của đa số loại thiếu máu bao gồm: Dễ mệt và mất sức, nhịp tim đập không bình thường nhất là khi tập thể dục, thở gấp, đau đầu khi tập thể dục, khó tập trung, chóng mặt, da tái màu, thiếu ngủ, chuột rút ở chân.
2. Bổ sung dinh dưỡng khi thiếu máu cho người lớn
Đối với người lớn, chế độ dinh dưỡng bổ sung sắt cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo cân đối và đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Theo đó, chế độ dinh dưỡng cần cân đối giữa protein động vật và protein thực vật. Bên cạnh đó, việc bổ sung thực phẩm chứa sắt phải đảm bảo theo nhu cầu và khuyến nghị về tuổi, giới của người bệnh.
Người bị thiếu máu nên bổ sung các loại thịt đỏ chứa nhiều sắt như thịt bò, thịt bê, thịt lợn, gà tây, gan, tiết,… Số lượng cần sử dụng trong khoảng 45-60g protein tương ứng với 200-300g thịt/ngày.
Bổ sung thịt bò cho người mắc bệnh thiếu máu
Ngoài ra, nhóm hải hải như cá thu, cá hồi, sò, ốc, hàu,… cần đảm bảo ăn 2-3 bữa/ tuần. Trứng là một loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipid, glucid,… đặc biệt trong lòng đỏ trứng có chứa rất nhiều sắt, kẽm, canxi và vitamin A,… Theo đó, người bệnh nên ăn 2-3 quả trứng/ tuần.
3. Bổ sung dinh dưỡng khi thiếu máu cho trẻ nhỏ
Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở trẻ nhỏ chủ yếu là do thiếu sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng không phù hợp như uống sữa công thức không bổ sung sắt, ăn bột thiếu thức ăn nguồn gốc động vật,… Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ cần cho trẻ ăn đa dạng các nhóm chất như sữa mẹ, chất bột đường, protein, vitamin và khoáng chất, lipid. Tăng cường thực phẩm giàu sắt trong thực đơn hàng ngày. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên bổ sung thực phẩm giúp hấp thu sắt như các loại quả chứa nhiều vitamin C như nho, bưởi, nước cam, quýt,…
Trẻ bị thiếu máu nên bổ sung trái cây có nhiều vitamin C
Ngoài ra, trẻ bị thiếu máu cũng cần được bổ sung sữa và chế phẩm từ sữa: sữa không chỉ chứa các loại khoáng chất bổ máu như photpho, canxi, magie,… mà còn giàu vitamin B12, vitamin A, vitamin C có vai trò quan trọng trong việc dự trữ sắt và hình thành hồng cầu, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu hiệu quả.
Thiếu máu thiếu sắt là một dạng thiếu máu phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, khi bị thiếu máu thiếu sắt, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để bổ sung lượng sắt nhanh chóng và phòng ngừa bệnh tái phát. Hy vọng với những gợi ý trên, người bệnh và cha mẹ khi chăm trẻ nhỏ đã có thêm hiểu biết trong việc bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh thiếu máu.
Có thể bạn quan tâm
Xem các nội dung khác